CEO 9X vừa tiếp quản đã khai tử dòng sản phẩm nổi tiếng của IVY moda: Tôi tham vọng mở trăm cửa hàng thời trang nam với bài toán 1 mất 1 còn

CEO 9X vừa tiếp quản đã khai tử dòng sản phẩm nổi tiếng của IVY moda: Tôi tham vọng mở trăm cửa hàng thời trang nam với bài toán 1 mất 1 còn - Tin nhanh được đăng bởi đội ngũ biên tập. Xem ngay CEO 9X vừa tiếp quản đã khai tử dòng sản phẩm nổi tiếng của IVY moda: Tôi tham vọng mở trăm cửa hàng thời trang nam với bài toán 1 mất 1 còn

Nhìn Nguyễn Lê Vũ Linh ngoài đời, không ai nghĩ rằng chàng trai cá tính này lại là CEO của một thương hiệu thời trang lớn. Dù tuổi đời còn rất trẻ, anh đã sớm tiếp quản công ty của gia đình, không ngần ngại đưa ra những quyết định táo bạo mà ngay cả những doanh nhân sành sỏi cũng phải suy nghĩ.

Ở tuổi 27, anh nhận vị trí CEO của IVY moda trong tâm thế như thế nào?

Từ lâu, tôi đã tâm niệm rằng việc kế thừa và phát triển sự nghiệp của gia đình là trách nhiệm của mình. Thế hệ trước già đi thì thế hệ trẻ gánh vác. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần cho việc này, chỉ là không nghĩ sẽ phải bắt đầu sớm như thế.

Thời điểm chị Lê Linh – CEO IVY moda lúc bấy giờ – quyết định dừng công việc, tôi cũng cân nhắc rằng liệu mình đã sẵn sàng hay chưa. Tuy nhiên, sau một hồi nhìn lại bản thân, tôi tin rằng mình đủ khả năng tiếp quản vị trí này.

Tại sao cứ trốn tránh nhiệm vụ mà trước sau gì mình cũng phải làm? Càng làm sớm thì tôi càng có nhiều kinh nghiệm. Mình chưa biết cái gì thì hỏi, không thì tự học.

Điều gì giúp anh tự tin như vậy?

Ở nước ngoài, tôi học Quản trị Doanh nghiệp Thời trang – một ngành mới chỉ xuất hiện gần đây tại Việt Nam.

Ban đầu, tôi vẫn khá thờ ơ với thời trang, dù đã được gia đình định hướng từ trước. Thế nhưng, nhờ sống trong môi trường đa văn hóa, tôi dần dần hứng thú với chuyện ăn mặc, thậm chí còn tự tiết kiệm tiền để mua quần áo. Tôi cảm thấy may mắn khi sở thích phù hợp với khả năng, lại đáp ứng nguyện vọng của gia đình.

Ngoài ra, trước khi trở thành CEO, tôi đã có 4 năm làm việc full-time tại IVY moda, đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, gần nhất là Phó Tổng Giám đốc. Chưa kể, tôi còn làm việc part-time tại đây mỗi kỳ nghỉ hè, trong suốt một khoảng thời gian dài từ những năm cuối cấp 2 cho đến khi tốt nghiệp Đại học.

Vị trí CEO này thiên về kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân. Đây đều là những thứ tôi đã tích lũy được kể từ ngày về IVY moda làm việc. Tôi tự tin mình có đủ kiến thức cơ bản và cần thiết để vận hành bộ máy, nhưng vẫn tiếp tục trau dồi năng lực để phát triển cùng công ty trong tương lai.

Thời điểm đó, anh đánh giá thuận lợi và khó khăn lớn nhất của mình là gì?

Lợi thế của tôi là hiểu rõ bản thân cần làm gì để thay đổi và phát triển IVY moda sau một thời gian dài làm việc cho công ty. Trước đây, tôi chỉ là người đưa ra ý kiến, còn giờ đã nắm quyền quyết định trong tay. Chưa kể, tính tôi cũng khá quyết đoán, chốt xong là làm luôn, không bao giờ để việc tồn đọng.

Lúc đó, tôi chỉ lo rằng mình đã tiếp quản vị trí CEO quá sớm. Đó là một sự liều lĩnh, nhất là khi công ty vừa mới chuyển sang giai đoạn hậu Covid-19.

Trong 2 năm dịch bệnh, chị Linh đã đưa ra rất nhiều quyết định sáng suốt, giúp con thuyền IVY moda vượt qua sóng gió. Điều này khiến tôi băn khoăn: “Nếu là mình trên chiếc ghế CEO, công ty sẽ như thế nào?”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng mọi chuyện đã ổn. Sau 3 tháng ở vị trí mới, tôi đã biết mình phải làm gì nếu IVY moda đối mặt với những thách thức lớn tương tự. Có thể tự tin khẳng định rằng, chúng tôi sẽ vẫn có phương án để đương đầu với chúng.

Thực tế có như anh dự kiến khi bắt tay vào công việc mới?

Ngay từ đầu, tôi đã xác định rằng mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và thực tế cũng đúng như vậy. Đứng trước câu hỏi “Dám vượt qua không?”, câu trả lời của tôi là “Có”. Trong số những quyết định mà tôi đưa ra trên cương vị mới, việc tái cơ cấu bộ máy là quan trọng nhất.

Mọi người cho rằng việc cắt giảm nhân sự là không hợp lý, sẽ khiến bộ máy mỏng đi. Thế nhưng với tôi, IVY moda vẫn chỉ là một công ty vừa và nhỏ, không cần cồng kềnh và phức tạp như vậy. Nếu cứ duy trì bộ máy cũ, tốc độ trao đổi thông tin giữa các bộ phần sẽ bị chậm lại.

Đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy việc tinh giản nhân sự là chính xác. Mọi thứ đều tốt lên, chứng tỏ những vị trí tồn tại trước đó là dư thừa.

Anh đã cắt bao nhiêu % nhân sự?

Thực ra không đến mấy % đâu. Mỗi vị trí chúng tôi cắt giảm 1-2 người, tùy xem công việc của họ có cần thiết không, tối ưu được chỗ nào. Sau đó, chúng tôi sử dụng đa nhiệm để công việc thuận lợi và trơn tru hơn.

Như nói ở trên, tôi là người đã quyết là làm. Để đi đến quyết định này, tôi đã nói chuyện với tất cả nhân sự ở IVY moda, chia sẻ rõ lý do và kế hoạch với họ. Ai chung chí hướng thì đi cùng mình, còn những người không đi được thì có thể chọn con đường khác phù hợp hơn với bản thân.

Việc quyết nhanh, làm nhanh có từng khiến anh phải trả giá?

Chắc chắn rồi. Muốn quyết định nhanh, bạn phải có kinh nghiệm. Khi chưa có đủ kinh nghiệm, bạn phải trả giá. Chẳng hạn, vì một quyết định sai của tôi về gia hạn mà IVY moda đã mất một chi nhánh trọng điểm trong hệ thống tại Hà Nội.

Đã có những sai lầm xảy ra trong 3 tháng vừa qua, nhưng chúng là bài học mà tôi phải tiếp nhận để rút kinh nghiệm cho lần sau. Thông thường, mọi thứ đến rất nhanh. Tôi chưa kịp nghĩ mình làm đúng hay sai thì đã có kết quả rồi.

Thế nên, tôi không liều lĩnh mà đặt cược, chỉ đánh đổi những gì trong phạm vi có thể chịu đựng được, để nếu sai cũng không dẫn đến hậu quả sống còn.

Ở vị trí của tôi, sẽ có những thứ đòi hỏi sự quyết đoán, nếu không nhanh chân thì chậm mất cơ hội. Người ta thường bảo, cơ hội đến mà không nắm lấy thì 100% sẽ biến mất, nếu đón nhận chí ít còn có khả năng thành công.

Nhiều khách hàng cho rằng đồ của IVY moda chỉ phù hợp cho dân công sở đứng tuổi. Là một CEO trẻ, anh có muốn “trẻ hóa” thương hiệu theo không?

Như mọi thương hiệu khác, chúng tôi cũng có tệp khách hàng cốt lõi – những người đã, đang và sẽ tiếp tục mua sắm ở IVY moda. Cũng có ý kiến cho rằng đồ của IVY moda trông hơi già hoặc hơi trẻ, nhưng chúng tôi không thể vì thế mà chạy theo từng phản hồi nhỏ.

Thay vào đó, công ty đưa ra hướng giải quyết hiệu quả hơn: ra mắt dòng sản phẩm trẻ trung hơn mang tên IVY you. Tuy nhiên, chúng chỉ chiếm 30% tổng số hàng của IVY, còn lại vẫn là những sản phẩm phục vụ cho tệp khách hàng chính của thương hiệu.

Phương án này không những phục vụ được phần nào tệp khách hàng nhỏ, mà còn giữ gìn nguyên vẹn tinh thần của IVY moda.

Một việc khác mà anh làm ngay sau khi lên chức CEO là khai tử IVY men. Vì sao vậy?

Sau 5 năm khởi động, IVY men đã có những bước phát triển nhất định, đạt doanh số khá lớn. Tuy nhiên, tôi thấy hành vi mua sắm của khách hàng không còn đúng với tiêu chí ban đầu của thương hiệu.

Trước đây, chúng tôi nhắm đến đối tượng khách hàng nữ đến mua thêm cho chồng và con trai. Bây giờ, mục tiêu của IVY là khách hàng nam sẽ tự vào cửa hàng để mua đồ cho mình. Do đó, IVY men không còn phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Suốt cả thập kỷ qua, khách hàng đã định hình IVY moda như một thương hiệu chuyên về thời trang nữ. Muốn thay đổi quan niệm này thực sự không hề dễ dàng. Trong khi đó, thị trường thời trang nam còn rất rộng, chưa kể phái mạnh cũng có khả năng chi trả. Vậy nên, việc có riêng một thương hiệu dành cho nam giới là điều rất quan trọng.

Thế rồi, Metagent đã ra đời.

Vì sao anh lại chọn cái tên Metagent cho thương hiệu thời trang nam của mình?

Đầu tiên, “meta” là từ được mọi người sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây, có nghĩa là theo xu hướng, hợp thời. Tôi mong muốn sản phẩm của Metagent sẽ mang yếu tố liên quan nhiều đến công nghệ, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại 4.0.

[tinmoi]

Từ “gent” là viết tắt của “gentlemen”, chỉ các quý ông. Khi ghép lại, Metagent muốn truyền tải thông điệp về các sản phẩm hiện đại và hợp thời dành cho các nam giới, đặc biệt là những người sống nhanh và đam mê công nghệ.

Làm Metagent có khó hơn so với IVY men không, ít ra khách hàng đã biết đến Ivy, còn đây thì anh sẽ phải xây lại từ đầu?

Chúng tôi đã có kinh nghiệm xây dựng IVY từ A-Z, nên giờ chỉ cần làm y hệt với Metagent. Điểm khác biệt là chúng tôi sẽ tăng tốc độ phát triển về cả mặt bằng lẫn nhận diện thương hiệu nhanh hơn so với IVY. Để làm được điều này, chúng tôi cần bỏ ra một khoản đầu tư lớn.

Metagent không chỉ khác IVY men về concept, mà còn hướng đến tệp khách hàng trẻ trung hơn IVY men một chút. Chúng tôi muốn tiếp cận nam giới trong độ tuổi 25-35, là những người đàn ông yêu thích thời trang, đã có chỗ đứng trong sự nghiệp.

Ngoài ra, “Meta” có nghĩa là hợp thời, mà mọi người lại đang quan tâm nhiều hơn đến sống xanh, môi trường và khí hậu. Đó là một xu hướng mà thời trang không thể đứng ngoài. IVY moda hay Metagent cũng nhắm tới xu thế này, với mong muốn đem đến những sản phẩm xanh nhất, sạch nhất và chất lượng nhất cho khách hàng.

Chỉ cần duy trì được sự đồng bộ từ khâu thiết kế đến khâu kinh doanh, tôi tin rằng mình sẽ thành công.

Đồ organic thường khá đắt, dù là sản phẩm nhỏ hay lớn. Trong khi đó, phái mạnh lại không chịu chi như phụ nữ. Đây liệu có phải bài toán khó với Metagent không?

Tôi nghĩ rằng nhận định này chỉ đúng ở Việt Nam cách đây 10 năm. Còn hiện tại, theo những gì tìm hiểu được từ thị trường, chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định đàn ông Việt Nam rất chịu chi cho thời trang, nhất là U30. Họ không ngại đầu tư một khoản tiền lớn để mua quần áo, miễn là sản phẩm phù hợp về sở thích, vóc dáng và phong cách của họ.

Bản thân tôi cũng là một người không bao giờ để vợ mua hộ quần áo. Tôi sẽ tự đi tìm trang phục phù hợp với mình.

Tất nhiên, Việt Nam vẫn còn nhóm khách hàng nam ngại đi mua sắm quần áo và phải nhờ vợ. Tuy nhiên, tệp khách hàng mà chúng tôi nhắm đến là những người đàn ông có thể tự chi trả và mua sắm cho bản thân mình.

Hành vi mua sắm của nam giới sẽ khác một chút. Họ thường mua quần áo vào hai dịp: đầu mùa hè và đầu mùa đông. Mỗi đợt, họ sẽ mua nhiều nhiều món đồ và không quay lại cửa hàng đó nữa.

Tất cả những hành vi này đã được chúng tôi thu thập và phân tích khi làm IVY men. Từ đó, chúng tôi cho ra đời những mẫu mã đơn giản nhưng có nhiều màu, phù hợp với tệp khách hàng chỉ thích mặc mãi một sản phẩm. Giá cả sẽ nằm ở mức trung bình đến cao, tương tự Ivy Moda hay IVY men trước đây.

Lần này, nếu sai thì sao?

Metagent là bài toán một mất một còn mà tôi đánh cược. Dù vậy, tôi vẫn tin tưởng vào quyết định của mình. Tôi đã nghiên cứu rất lâu về thị trường Việt Nam, nhìn lại chặng đường của IVY men, từ đó lên ý tưởng rõ ràng về concept thương hiệu cũng như tệp khách hàng tiềm năng của Metagent.

Metagent có phải là mong muốn, là thương hiệu mang phong cách riêng của anh không?

Có thể coi là như vậy. Metagent là dự án lớn đầu tiên mà tôi tự xây dựng và phát triển. Tôi dành rất nhiều tâm huyết cho nó. Tâm huyết ở đây mang tính trách nhiệm: muốn một thương hiệu ra đời thành công, mình phải dành đủ thời gian cho nó.

Để làm lại thương hiệu thời trang nam hoàn toàn mới, anh đã phải thuyết phục những ai?

Tất nhiên là cha tôi – “sếp” kiêm nhà đầu tư chính. “Sếp” là người đã tin tưởng và đồng ý với quyết định của tôi.

Cái gật đầu ấy của “sếp” có bao nhiêu % tình cảm, bao nhiêu % lý trí?

Tôi không thể nào biết được (cười). Tuy nhiên, mọi quyết định trong công việc không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn cả tập thể IVY. Do đó, tôi cho rằng “sếp” cũng đã phải cân nhắc rất kỹ về đề xuất của tôi trước khi chấp thuận.

Nhiều lúc, chúng tôi cũng bất đồng ý kiến với nhau, nhưng chỉ dừng ở mức tranh luận. Tôi nghĩ, đã là hai thế hệ thì kiểu gì cũng có những suy nghĩ khác nhau.

Trên thực tế, tôi là người phụ trách chính của Metagent. Khi cần, tôi sẽ hỏi thêm ý kiến của “sếp”, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn nằm ở tôi.

Dưới anh bây giờ là có bao nhiêu nhân sự?

Hiện tại, chỉ tính riêng nhân viên ở khối cửa hàng cũng đã lên đến hơn 1.000 người. Chúng tôi có 80 cửa hàng, mỗi cửa hàng có khoảng 10 người. Khối văn phòng là phụ, nên sẽ ít nhân viên hơn.

Do nhân sự đông, mỗi một quyết định chúng tôi đưa ra đều tác động mạnh mẽ lên công ty. Ví dụ, việc khai tử IVY men sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công thức tính lương của nhân viên. Thế nên, chúng tôi phải xem xét rất kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng, chứ không chỉ nói là xong.

Trong tương lai, bộ máy của IVY sẽ tiếp tục thay đổi. Chúng tôi bước đầu đã hoàn thành phần định hình, hiện đang tìm thêm mặt bằng và thi công. Chúng tôi dự định sẽ khai trương cùng lúc các cửa hàng trong tháng 9 tới. Dự kiến, Metagent sẽ giống như IVY moda, nghĩa là có khoảng 100 cửa hàng.

Anh một tay quản hai thương hiệu cùng lúc có vất vả không? Làm sao để cân bằng hai tệp khách hàng khác nhau, hai xu hướng khác nhau, đội ngũ nhân sự có lẽ cũng hoàn toàn khác nhau?

Hiện tại, điều hành Metagent có phần vất vả hơn chút do bộ máy ở khâu thiết kế và sales vẫn đang được hoàn thiện. Đến tháng 9, khi thương hiệu đi vào hoạt động, công việc chắc chắn sẽ còn nhiều hơn.

Dĩ nhiên, sáng tạo cái mới không có nghĩa là bỏ bê cái cũ. Do phải duy trì cùng lúc hai thương hiệu, tôi luôn lên kế hoạch rõ ràng cho từng việc cần làm.

Chưa kể, xung quanh tôi còn có rất nhiều bạn nhân sự giỏi và đáng tin cậy, hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Họ là người đề xuất phương án; tôi chỉ việc duyệt. Mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát, chừng nào chúng tôi có sẵn kế hoạch và làm cùng nhau.

Làm tất cả mọi việc, từ CEO cho đến vận hành IVY moda và Metagent, đâu là khâu làm cho anh đau đầu và căng thẳng nhất?

Mỗi khâu đều có khó khăn riêng, nhưng việc khiến tôi đau đầu nhất là phải đưa ra quá nhiều quyết định trong một ngày.

Đã thế, quyết định vào buổi chiều chưa chắc đã tốt như quyết định vào buổi sáng. Bởi lẽ, khi phải đưa ra quá nhiều quyết định như vậy, tôi thường hơi buông lỏng bản thân một chút. Do đó, tôi học cách ưu tiên những việc quan trọng vào đầu giờ.

Sau 3 tháng thử sức ở vị trí mới, anh thấy thành quả lớn nhất mình đã đạt được là gì?

Trong kinh doanh, kết quả cuối cùng thể hiện ở những con số.

Sau khi IVY moda thay đổi cơ cấu, đội ngũ nhân sự còn lại đều là những người rất tâm huyết. Kết quả công việc cho thấy họ đang rất nỗ lực để đưa công ty tiến tới thành công mới.

Ngoài ra, doanh thu trong 3 tháng vừa rồi cũng có những chuyển biến tích cực, chứng minh rằng việc bán hàng nguyên giá đang phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi truyền thông nhiều hơn và giảm bớt sales, đồng nghĩa với việc phải tinh giản chi phí vận hành không cần thiết để giải quyết áp lực dòng tiền.

Đó cũng là những thành công ban đầu của tôi khi tiếp quản vị trí này.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Hồng Đăng – Tú Khê

Hải An

https://cafef.vn/ceo-9x-vua-tiep-quan-da-khai-tu-dong-san-pham-noi-tieng-cua-ivy-moda-toi-tham-vong-mo-100-cua-hang-thoi-trang-nam-voi-bai-toan-mot-mat-mot-con-20220719160247331.chn

Theo cafef

0/5 (0 Reviews)